Thế ứng, dụng thần trong Bốc Dịch là điểm mấu chốt để tiến hành xem một quẻ Dịch. Tùy theo từng sự việc, nhân vật mà dùng dụng thần khác nhau.
THẾ ỨNG LÀM DỤNG THẦN
Hai hào Thế và Ứng ở trong các quẻ thì Thế là mình mà Ứng là người. Thế Ứng tương sinh, tương hợp là khách chủ hợp ý. Thế Ứng tương khắc tương xung là khách chủ bất hoà.
Phàm xem tật bệnh cho mình hoặc hỏi tuổi thọ hoặc xem xuất hành hung hay cát. Xem hao tổn lợi ích cho mình đều lấy hào Thế làm Dụng thần.
Phàm xem cho người chẳng biết xưng hô ra sao, bạn bè không thâm giao, cửu lưu thuật sĩ, kẻ thù , quân địch, xem cho nơi nào đó, cho núi, sông, chùa chiền nào đó đều lầy Ứng làm Dụng thần.
Như xem đất nào đó có thể chôn cất cho mình không thì Thế làm huyệt mà Ứng làm đối án . Còn như xem mua đất của người để mai táng, mà hỏi đất đó nếu chôn có lợi cho nhà mình không thì lấy Ứng làm huyệt mà Thế là nhà mình.
Cách tìm dụng thần trong Bốc Dịch
Tất cả những gì nuôi dưỡng, che chở cho ta đều dùng Phụ Mẫu làm Dụng thần, tức như thành quách, nhà cửa, xe tàu, y phục… Các loại như vàng bạc, vật dụng, tì bộc… để sử dụng đều lấy Thê Tài làm Dụng thần.
Xem cho vợ của anh em, chị em của vợ là những người ngang hàng với vợ. Chồng xem cho vợ lấy hào Thê Tài làm Dụng thần vì thế tất cả đều dùng hào Thê Tài. Anh em của chồng là người ngang hàng với chồng, mà xem cho chồng lấy hào Quan Quỷ làm Dụng thần thì tất cả đều dùng hào Quan Quỷ.
Quý nhân dùng hào Quan là Quan tinh, thứ nhân lấy Quỷ làm họa hại. Quý nhân lấy Tử Tôn là ác sát, thứ nhân lấy Tử tôn làm Phúc thần. Quan là sao câu thúc, Quỷ là sao lo âu cản trở. Như gặp gió mưa liên miên, hoặc gặp gió chướng, tật bệnh, quan sự quấy nhiễu, giặc cướp xâm hại khiến người lo âu, tất dùng Quan Quỷ mà đoán.
NGUYÊN THẦN
Muốn tìm Nguyên thần thì trước tiên phải xem hào nào là Dụng thần. Hào sinh Dụng thần là Nguyên thần. Như Dụng thần gặp Tuần không, Nguyệt phá, suy nhược, hoặc phục tàng không hiện được Nguyên thần động sinh.
Nếu được Nhật thần, Nguyệt kiến làm Nguyên thần sinh, thì đợi Dụng thần xuất Không, xuất Phá, đúng trị nhật (chỉ ngày có cùng địa chi với Dụng thần. Như Dụng thần là hào Dần lâm Không. Đến ngày Dần, với Nguyệt phá cũng thế) điều mong muốn tất toại.
Nếu Dụng thần vượng tướng mà Nguyên thần hưu tù, bất động, hoặc động mà hóa Mộ, hóa Tuyệt, hóa khắc, hóa Phá, hóa Thoái, hoặc bị Nhật thần, Nguyệt kiến khắc chế đều không thể sinh Dụng thần tức gốc rễ của Dụng thần bị tổn thương, thì không chỉ vô ích mà ngược lại còn bị hại nữa.
KỴ THẦN
Muốn tìm biết Kỵ thần thì trước tiên phải biết Dụng thần, hào khắc Dụng thần là Kỵ thần. Như Kỵ thần động khắc Dụng thần, mà hào Dụng thần xuất hiện chẳng lâm Không tất sẽ chịu khắc. Còn như trong quẻ nếu có Nguyên thần động sinh Dụng thần thì ngược lại Kỵ thần lại sinh Nguyên thần, đó gọi là “tham sinh quên khắc” tức Dụng thần vững chắc, tốt càng thêm tốt.
Nếu Kỵ thần độc phát (chỉ một mình Kỵ thần động), mà Dụng thần lâm Không ấy là Tị không (tức nhờ lâm Không mà tránh được). Nếu phục tàng thì gọi là Tị hung (tránh được hung). Nếu Nhật thần, Nguyệt kiến sinh Dụng thần là được cứu. Những điều như trên đều là điềm tốt chẳng có gì nghi ngờ nữa.
Nếu Kỵ thần biến hồi đầu khắc, hoặc bị Nhật thần, Nguyệt kiến khắc xung, hoặc động hào chế Kỵ thần ấy là giặc muốn hại ta mà giặc bị hại trước, tất ta không bị hại gì.
Nếu Nhật thần, Nguyệt kiến sinh phò Kỵ thần, hoặc Kỵ thần khắc Dụng thần. Dù Dụng thần Tị không hay phục tàng, thì đến lúc xuất Không, lộ tất bị hại, chẳng cứu được.
CỪU THẦN
Cừu thần là hào chế khắc Nguyên thần mà sinh phò Kỵ thần. Cừu thần phát động thì Nguyên thần bị hại. Dụng thần không gốc rễ, Kỵ thần tăng sức thì họa khởi trùng trùng.
FanPage Phong thủy Kỳ Bách luôn cập nhật tin tức mới nhất.