Loan Đầu là phương pháp đoán định nơi cư trú dựa trên hình và thế của đất. Đánh giá, rồi kết luận tốt xấu hoặc những điều cấm kỵ.
Khái niệm cơ bản của Loan Đầu
Phong Thủy bao gồm ba nhóm là nhà ở, phần mộ và môi trường xung quanh. Mỗi nhóm lại chia ra làm nhiều loại nhỏ. Nhóm môi trường cấu tạo nên là phức tạp nhất. Đồi núi nhấp nhô cao thấp thay đổi không ngừng được gọi là Sơn Long hay gọi tắt là Long.
Hình thế đất đai quanh co, hình thành các khí và tượng khác nhau, Khí, hình này quyết định sự chọn lựa nơi cư trú. Đặc trưng của địa hình phù hợp với đặc trưng của rồng, nên dùng Long để tượng trưng. Mạch núi trong tự nhiên gọi là Long Mạch.
![Loan Đầu là phương pháp đoán định nơi cư trú dựa trên hình và thế của đất. Đánh giá, rồi kết luận tốt xấu hoặc những điều cấm kỵ.](https://i0.wp.com/phongthuykybach.com/wp-content/uploads/2021/07/97548.jpg?resize=1024%2C682&ssl=1)
Sơn mạch là tên gọi chung núi non, tức là hình thế đất đai núi non. Hướng của núi chính là hướng của Long mạch. Những ngọn núi chủ thể cấu tạo thành sơn mạch gọi là Chủ Mạch. Từ chủ mạch sinh ra các núi khác gọi là Chi Mạch. Chủ mạch như hình dạng cây và cành, nên chia Long mạch thành Đại can, Tiểu can, Tiểu chi (cành lớn, cành nhỏ, nhánh nhỏ).
Nơi khởi nguồn của Chủ mạch được gọi là Tổ sơn, từ Tổ sơn chạy theo hướng đi của Long mạch có Thiếu tổ sơn. Hình thế đất đai núi non đều có thứ tự. Do vậy, đất đai đã đối ứng với xã hội. Hình thế đất đai liên hệ với nhau giống như bố cục bài vị trong nhà thờ tổ tiên.
Vị trí và tác dụng của Thiếu tổ sơn trong Long mạch rất được chú trọng trong Loan Đầu phái.
Tầm long tróc mạch
Tầm Long tức là tìm ra được tổ sơn, Tróc mạch tức là nhận định được thứ tự mạch trong thế núi tự nhiên. Do thế núi đa dạng nên phải Tầm và Tróc mới biết được thứ tự mạch lạc của long mạch.
Tầm Long tróc mạch trong Phong Thủy coi sơn mạch là chủ đạo với nhà ở, môi trường. Sơn mạch gần nhất là Long Sơn hoặc Chi Sơn, Trấn Sơn. Chủ Sơn là người chủ của căn nhà, là bản vị. Còn Trấn Sơn chỉ uy lực của Long. Trấn sơn chỉ ra sự tốt xấu của Âm trạch hay Dương Trạch.
Ngoài việc có Long sơn tại nơi cư trú, còn phải xét đến Thủy. Núi và Nước kết lại thành huyệt.
Huyệt là nơi trọng yếu của long mạch. Huyệt là nơi dựa vào núi đối diện với nước. Dựa vào hình thế núi non và sông nước khác nhau mà Huyệt phân ra cát hung. Chọn Huyệt là Điểm Huyệt. Muốn điểm huyệt cần phải nhận rõ Long Mạch. DỨT KHOÁT không thể tự lập được huyệt.
Huyệt còn được gọi là Minh Đường trong Tầm Long Điểm Huyệt. Huyệt bao hàm cả Sơn và Thủy. Sơn và Thủy xem Khí làquan trọng nhất. Khí được phân ra hai trạng thái: chỉ (dừng lại) và tụ (tụ lại). Khi bị gió thổi thì tản ra, khi gặp nước thì dừng lại (giới thủy tắc chỉ).
Xác định Huyệt phảidựa trên Giới thủy. Khí có dừng lại thì mới tụ được. Muốn có tụ thì trước tiên phải ngăn được gió thổi (tàng phong).
Khí của Long huyệt PHẢI có hai điểm: Một là: Khí cần phải liên tục không đứt đoạn; Hai là: Khí cần phải tụ.
Sa, thủy
Ngoài long và huyệt còn có sa và thủy. Sa là cát, đá, là chỉ cái cấu tạo thành Long. Long là mạch thể địa thế, sa là một ngọn núi hay một địa thế cá biệt. Không phải ngọn núi hay địa thế nào cũng gọi là sa. Sa phải có mối liên hệ với huyệt mới được gọi là sa.
Long mạch, Tổ Sơn, Thiếu tổ sơn đều là chỉ núi phía sau dương trạch hay âm trạch. Sau lưng nhà là LAI XỨ (chỗ đến). Các núi tổ tông đều là Lai xứ. Tất cả núi hoặc gò đất ở hai bên phải trái hoặc trước mặt huyệt là sa. Núi bên cạnh trái Huyệt gọi là Thanh Long sa, gọi tắt là Thanh Long hay Tả Phụ, Tả Kiên, Tả Tý (Kiên: vai, Tý: tay). Núi bên cạnh phải Huyệt gọi là Bạch Hổ sa hay Bạch Hổ, Hữu Bật, Hữu Kiên, Hữu Tý.
Nếu hướng chính gần huyệt có gò đất nhỏ thì gọi là Án sơn (Án là cái bàn làm việc). Cách xa hơn một chút có núi gọi là Triều sơn (núi chầu). Cách cục của một nơi cư trú (hay nơi chôn cất) tốt là phải ở điểm trung tâm. Đó là Minh Đường.
Huyệt có hình như cái ô là Oa huyệt là nơi có thể phát. Huyệt hình cong như cây cung là Tiện huyệt (Huyệt bần hàn). Oa huyệt vì có hình ô nên tụ khí là tốt. Cung hình huyệt không tụ khí được nên xấu.
Long Mạch chia ra âm dương, ngũ hành.
Hình thế chia ra năm đặc trưng. Hình núi đỉnh tròn chân rộng là Kim Sơn. Núi đỉnh tròn thân gần như thẳng là Mộc Sơn. Núi đỉnh bằng là Thủy Sơn. Núi đỉnh nhọn chân rộng là Hỏa Sơn. Núi đỉnh bằng phẳng thanh tú là Thổ Sơn.
Phong Thủy Loan Đầu còn có Thủy pháp. Đây là phép chiêm đoán theo hình thế nước chảy. Sông nước có vị trí khá quan trọng trong Phong Thủy. Huyệt kết được là do sơn và thủy tụ hợp mà thành.
Tam thoa là chỉ nơi ba con sông hợp lại. Nhất định phải nhận rõ tụ hay tán. Nơi gọi là Long thủ cũng tức là Long sơn. Xác định được vị trí Long sơn mới xác định được huyệt. Huyệt có khí tụ mới có sự sống. Trước mặt Long Sơn cần phải có thủy.
Khí gặp nơi có sông nước thì dừng lại. Gió thổi làm tán khí, có Long sơn ngăn chặn mà chứa lại. Trước mặt Long sơn cần có sự giao hội của hai dòng nước chảy từ trái và phải. Như vậy, khí được sinh ra và được tụ lại.
Huyệt nơi nước đến gọi là Thiên môn, nơi nước đi gọi là Địa hộ. Đây cũng là tên gọi trên la bàn.
Long, Huyệt, Sơn, Sa, Thủy là năm thứ quan trọng trong Địa Lý Loan Đầu phái.
FanPage Phong thủy Kỳ Bách luôn cập nhật tin mới nhất.